Digital transformation – Quy trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong cuộc chơi hậu Covid

digital transformation - 4 gợi ý để chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Digital transformation hay chuyển đổi số trong doanh nghiệp đang là xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là một chặng đường gian nan, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ!

‘Nền kinh tế số’, ‘chuyển đổi số’ là những khái niệm không mấy xa lạ nhưng cụ thể là gì, bắt đầu ra sao lại là câu hỏi làm khó nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã hoạt động lâu năm trên thị trường. Ngược lại, ‘sinh ra’ trên nền tảng, công nghệ mới, không ít startup lại như ‘cá về biển lớn’ trước cuộc đua chuyển đổi. 

Theo dự đoán của International Data Coperation trước thời đại dịch, đến 2022, tổng giá trị chuyển đổi số trên toàn thế giới sẽ cán mốc 2000 tỷ USD. Và dưới tác động từ đại dịch Covid-19, quá trình này có thể còn diễn ra nhanh hơn khi ‘trạng thái bình thường mới’ trong đợt cách ly và hậu cách ly đang thúc đẩy không ít lĩnh vực tập trung vào phát triển hạ tầng số; chuyển đổi mô hình kinh doanh; hay tích hợp các nền tảng ứng dụng mới. 

Không thể phủ nhận dù đại dịch mang tới nhiều ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nhưng đồng thời cũng giải quyết không ít vấn đề mà ta thường ‘cố tình quên đi’. Và với doanh nghiệp, đó là ‘chuyển đổi số hay là chết’. Đây cũng là sức ép khiến không ít lĩnh vực để tồn tại phải chuyển đổi nhanh hơn!

Vậy cụ thể, digital transformation/ chuyển đổi số là gì?

digital transformation hay chuyển đổi số trong doanh nghiệp là gì

Một cách chung chung, digital transformation là cách doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ, nền tảng mới để thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng giá trị cung cấp và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Thông thường, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường bắt đầu chiến lược chuyển đổi số với cùng một khuôn mẫu – tích hợp các nền tảng trực tuyến vào mô hình kinh doanh – chẳng hạn thanh toán điện tử, phân phối online… Điều này cũng dễ thấy khi ví điện tử, e-commerce hay các ứng dụng đặt đồ ăn, xe ôm công nghệ đang ngày càng phổ biến. Những doanh nghiệp với tiềm lực tài chính lớn hơn, tùy từng lĩnh vực có thể thử sức với các ứng dụng như AI, big data, dữ liệu đám mây… hoặc tự mình khai phá những công nghệ riêng.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số, câu hỏi doanh nghiệp cần trả lời không phải là ‘ứng dụng cộng nghề gì’ mà là ‘ứng dụng ra sao’. Và để dễ hiểu hơn, Digit Matter sẽ cố gói gọn những chiến lược chuyển đổi số thông dụng thành 5 nhóm dưới đây:

  • Tối ưu nền tảng số – tạm hiểu là tạo ra một ‘sàn giao dịch’ để khách hàng và các nhà cung cấp có thể kết nối trực tiếp với nhau và hưởng lợi từ mạng lưới kết nối này. Chẳng hạn, khách sạn Accor mở rộng hệ thống đặt phòng của mình và cho phép các khách sạn độc lập khác ‘chào bán’ trên đó.   
  • Tích hợp digital vào sản phẩm, dịch vụ  – để đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường, ‘số hóa’ sản phẩm, dịch vụ  đang cung cấp hay phát triển những ứng dụng mới cũng là một chiến lược nên được cân nhắc. Chẳng hạn, thay vì đi học tại trung tâm, trong thời kỳ đại dịch, nhiều trung tâm ngoại ngữ chuyển qua mô hình học trực tuyến. Hoặc nhà phân phối nội thất tích hợp công nghệ AR vào ‘ướm thử’ sản phẩm trước khi đặt mua. 
  • Cá nhân hóa sản sản phẩm theo sở thích khách hàng – đây là một cách ứng dụng khác của big data để cung cấp những sản phẩm/ dịch vụ dành riêng cho đối tượng hướng tới. Chẳng hạn, spotify ‘học’ gu âm nhạc mỗi người để chọn lọc và gợi ý những ‘album’ liên quan
  • Phân phối sản phẩm trên kênh online – di cư lên nền tảng số là giải pháp thường được doanh nghiệp Việt ứng dụng để chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống. Không giới hạn ở một địa phương, khu vực với độ phủ trải dài, đây cũng là ưu điểm của chiến lược này trong thời đại ‘phẳng hóa’.
  • Tự động hóa quy trình – có thể hiểu là ứng dụng công nghệ, kỹ thuật ‘số’ để tinh giản những quy trình tủn mủn và tối ưu chi phí khi nhân rộng về quy mô

→ Tham khảo thêm 5 xu hướng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ‘đi đúng, tiến nhanh’ trong chặng đua nửa cuối 2020

4 gợi ý để bắt đầu quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Một doanh nghiệp muốn bứt lên trong cuộc đua chuyển đổi cần lấy công nghệ làm ‘động cơ’, data là ‘nhiên liệu’, quy trình làm ‘bản đồ’ và cuối cùng là khả năng ‘lèo lái’ của doanh nghiệp! 

Bởi vậy, công nghệ, data, quy trình, khả năng của doanh nghiệp có thể ví von như 4 cột trụ của ngôi nhà. Nếu chỉ tập trung vào 1 trụ cột, sớm hay muộn, căn nhà cũng không gánh nổi sức nặng khi được xây cao hơn. Tương tự, chỉ tập trung vào công nghệ mà không cân nhắc về khả năng thích ứng của doanh nghiệp cùng nhiều yếu tố khác, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cuộc ‘chuyển mình’ thất bại. Do đó, muốn chuyển đổi thành công, doanh nghiệp cần:

  • Có cái nhìn tổng quát về 4 yếu tố trên. Tất nhiên không có ai là chuyên gia của mọi lĩnh vực, thế nên trước khi bắt đầu kế hoạch cải cách, hãy đảm bảo bạn đã tìm đủ nhân sự trong 4 lĩnh vực nêu trên
  • Giải quyết từng yếu tố theo thứ tự! 
4 gợi ý về quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Yếu tố công nghệ trong chiến lược chuyển đổi số

Khi đặt những đột phá công nghệ song song cùng sự thay đổi trong nhu cầu thị trường, bạn sẽ tìm ra những cơ hội tăng trưởng mới. Chẳng hạn như công nghệ AI và tương tác bằng giọng nói đang ngày càng trở nên phổ biến với người trẻ các doanh nghiệp smart home đã ứng dụng vào sản phẩm, dịch vụ ra sao? Hay trong nhịp sống hiện đại khi mọi nhu cầu đều cần được thỏa mãn ngay, thỏa mãn gấp, làm thế nào để ngành bất động sản có thể khiến khách hàng trải nghiệm nhà mẫu mà không cần đi đâu  với công nghệ AR?! 

Từ big data, đến trí tuệ nhân tạo… khi càng ngày có càng nhiều xu hướng công nghệ mới, doanh nghiệp cần hiểu rõ

  • Từng ‘đột phá’ này mang lại lợi thế ra sao trong chuyển đổi số
  • Làm thế nào để điều chỉnh công nghệ đó theo từng nhu cầu thị trường/ doanh nghiệp
  • Hoặc tích hợp các ứng dụng mới vào hệ thống hiện có ra sao (ví dụ chatbot, marketing automation)

Yếu tố data trong chiến lược chuyển đổi số 

Làm thế nào để tận dụng được ưu thế về dữ liệu? Đây cũng là câu hỏi lớn cho nhiều doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi mô hình. 

Có một nghịch lý, nhiều doanh nghiệp truyền thống dù sở hữu những nguồn dữ liệu lớn nhưng lại không thực sự khai thác tiềm năng của chúng. Siêu thị với chính sách thẻ thành viên chẳng hạn, ngoài đổi thưởng cuối năm, liệu họ có thể sử dụng nguồn dữ liệu đó ra sao? Liệu các hệ thống siêu thị có thể phát triển một ứng dụng đưa ra những ‘ưu đãi’ được thiết kế riêng cho từng cá nhân/ mua sắm online chỉ sau 1 lần chạm?

Đặc biệt, data cũng có thời hạn. Sau vài ba tháng, có thể mối quan tâm của người tiêu dùng đã hoàn toàn khác đi – do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chẳng hạn. Bởi vậy, data không phải là những ‘báu vật’ với giá trị trường tồn theo thời gian. Ngược lại, đó là những thiết kế thời trang với tiềm năng vô hạn vào đúng thời điểm.

Để phát huy được ưu điểm của công nghệ trong cuộc đua ‘chuyển mình’, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng một hệ thống thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu để phân biệt:

  • Đâu là những dữ liệu cần thiết cho từng hoạt động sales/ marketing/ chăm sóc khách hàng
  • Đâu là những dữ liệu đã không còn đúng nữa
  • Đâu là cơ sở để dự đoán về hành vi,, sở thích của những khách hàng tiềm năng

Để làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng hệ thống CRM – hệ thống thu kết nối dữ liệu từ nhiều kênh về một nơi duy nhất để từ đó marketing, sales hay chăm sóc khách hàng có thể phân tích và sử dụng dữ liệu cần thiết! Và với những doanh nghiệp tham gia cuộc đua chuyển đổi số bằng cách mở rộng phân phối trên kênh online hay phát triển các sàn giao dịch, CRM sẽ là miếng ghép không thể thiếu sót!

Yếu tố quy trình trong chiến lược chuyển đổi số 

Quá trình chuyển đổi cần là một cuộc ‘cách mạng hóa’ về phương thức hoạt động: Làm thế nào để vừa thỏa mãn nhu cầu khách hàng vừa phải kết nối được các hoạt động trong công ty theo cách dễ quản lý nhất. 

Hãy nghĩ thử mà xem, đã bao giờ bạn được cuộc gọi với cùng nội dung nhưng từ 3-4 nhân viên tư vấn khác nhau của một ngân hàng hay chưa? Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đó là sự kém tối ưu trong kế hoạch thực thi đồng thời cũng là hệ quả tất yếu của việc tủn mủn trong quản lý thông tin. Dưới góc nhìn của marketing, đây là những trải nghiệm phiền nhiễu khiến khách hàng ngày càng rời xa thương hiệu. 

Chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dịch vụ, muốn vận hành trơn tru cần một được ‘quy trình hóa’ từ lúc tiếp nhận thông tin cho đến khi triển khai tiếp cận. Lúc này, inbound marketing có thể sẽ là gợi ý phù hợp cho doanh nghiệp khi phương pháp này vận hành dựa trên

  • Những trải nghiệm được cá nhân hóa cho từng đối tượng mục tiêu dựa trên hệ thống quản lý dữ liệu CRM
  • Những quy trình tự động như gửi email tự động theo nội dung, tần suất được thiết lập từ trước; tự động chuyển cuộc gọi đến nhân viên tư vấn phù hợp nhất; tự động chấm điểm cơ hội chuyển đổi mỗi số điện thoại thu về; tự động remarketing… 
  • Quản lý và phối hợp hoạt động của sales, marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng trên cùng một giao diện

Với các quy trình tự động, lúc này doanh nghiệp có thể giải phóng nhân sự khỏi những nhiệm vụ vụn vặt, tốn thời gian để tập trung cho những công việc chính!

Yếu tố doanh nghiệp trong chiến lược chuyển đổi số  

Cuối cùng, sau tất cả những đột phá công nghệ, hệ thống quản lý, khai thác dữ liệu, quy trình tự động, công cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn có thể ‘chững lại’ bởi yếu tố con người: khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, đặc biệt là kinh nghiệm chuyên môn trong 3 lĩnh vực trước đấy!

Đó cũng là lý do vì sao để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, nhiều công ty lại tập trung đẩy mạnh vào đội in-house. Tuy nhiên với những hạn chế về tài chính, đôi lúc những ‘bộ phận thuê ngoài’ – chẳng hạn agency sẽ lại là một lựa chọn ít tốn kém hơn! 

-> Đặt hẹn tư vấn ngay nếu bạn đang tìm một agency chuyên về xây dựng hạ tầng số, CRM hay tự động hóa quy trình

Những chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công có đặc điểm chung là gì? 

3 nguyên tắc cho doanh để chuyển đổi số thành công

Để ‘cải cách’ mô hình kinh doanh trong cuộc đua số, bên cạnh 4 yếu tố về công nghệ, dữ liệu, quy trình, con người, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc về:

  • Đối thủ trên thị trường
  • Hệ giá trị cốt lõi
  • Nhu cầu khách hàng 

Cụ thể hơn, dưới đây là 3 đặc điểm chung mà những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chia sẻ lại: 

Nguyên tắc 1: Theo dõi động thái của đối thủ

Startup/ công ty mới thường là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để thay đổi ngành hàng. Trong một thị trường khi có quá nhiều ông lớn, một đối thủ khác biệt nhưng ‘non trẻ’ đôi khi không phải áp lực quá lớn khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh cả hệ thống ‘cồng kềnh’. Thế nhưng, sẽ thế nào những đối thủ ‘truyền kiếp’ của doanh nghiệp cũng tham gia cuộc chơi?

Theo số liệu của Harvard Business Review, cứ 3 doanh nghiệp đối thủ tham gia cuộc đua số, 1 trong số đó ‘chuyển đổi’ từ mô hình truyền thống. Và đó có thể chính là đối thủ lớn nhất của bạn. Bởi vậy, đừng chỉ để mắt tới những công ty mới mà hãy phóng rộng tầm nhìn ra các đối thủ trong ngành và những lĩnh vực lân cận, từ đó tìm ra đâu là cách họ phản ứng với xu hướng số. Một startup có thể sớm nở tối tàn, khi độ ầm ĩ qua đi, mọi thứ lại trở về ban đầu. 

Thế nhưng nếu chuyển đổi số là cuộc chơi chung của những ông lớn, thời cuộc sẽ rất khác. Lúc này, nếu không tham dự cuộc chơi có thể bạn sẽ bị xâu xé bởi những đối thủ ngày đêm rình rập!

Nguyên tắc 2: Chuyển đổi số phải song hành cùng giá trị cốt lõi

Sẽ là vô nghĩa nếu chiến lược chuyển đổi số không tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Không chỉ thiếu xuyên suốt với hình ảnh gây dựng bấy lâu, doanh nghiệp sẽ cần thời gian để gây dựng vị thế trong lĩnh vực mới. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn! Nghĩ thử mà xem, sẽ ra sao khi Apple tham gia cuộc chơi của máy chơi game playstation?

Tập trung vào giá trị cốt lõi sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn đặc biệt trong thời đại người người đua nhau trong cuộc đua số. Đôi lúc doanh nghiệp có thể phát triển song song những ‘giá trị trung tâm’ và những hệ ‘giá trị vòng ngoài’, nhưng luôn phải đảm bảo tính cân bằng. Suy cho cùng, điều khiến doanh nghiệp giữ chân khách hàng là những ‘sứ mệnh, lý tưởng’ đang theo đuổi. Khi doanh nghiệp trở thành một ‘con người hoàn toàn khác’, sẽ không ai biết điều gì có thể xảy ra!

→ Tham khảo thêm 3 gợi ý về chiến lược chuyển đổi số giúp doanh nghiệp đổi vận sau mùa đại dịch

Nguyên tắc 3: Đặt trọng tâm chiến lược chuyển đổi số vào nhu cầu thị trường

Lý do khiến startup thường vượt mặt các doanh nghiệp truyền thống trong cuộc chiến số đó là ngay từ đầu, họ đã đặt các nền tảng số vào trọng tâm chiến lược. Và thường thì những nền tảng này được chọn lựa dựa trên những nhu cầu chưa được thỏa mãn bởi các mô hình kinh doanh cũ. 

Bởi vậy, khi ‘làm mới’ mô hình kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc điều chỉnh trọng tâm chiến lược sao cho phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng chính. Đặc biệt với những doanh nghiệp lựa chọn chuyển đổi số qua chiến lược kênh, sự đồng điệu giữa nhu cầu – điểm chạm càng là yếu tố then chốt!

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn khái quát về quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phần nào lường trước những khó khăn. Nếu bạn cần một vài gợi ý để thoát khỏi những ràng buộc của mô hình kinh doanh truyền thống và bắt kịp xu hướng ‘chuyển dịch’, hãy dành cho Digit Matter một chút thời gian để cùng trao đổi kỹ hơn!

Facebook
LinkedIn
arrow-effect-dm

Tư vấn miễn phí

Contact Full

Liên hệ quảng cáo

Tư vấn tối ưu quảng cáo, thiết kế website, đối tác Google tại Việt Nam.